Hậu Chí Phèo
Phan_2
Hy vọng cuối cùng của bà Ba là mong tay Chí tới và cởi trói cho bà.
Đúng ba giờ chiều, mặt trời cuối thu yếu ớt ló ra. Tay Chí tiến về phía bà Ba. Đi sau hắn là dân làng Vũ Đại. Đi trước hắn là ba người hành quyết vác ba khẩu súng trường dài. Lúc này, bà Ba đã hoàn toàn tỉnh táo. Bị trói trật cánh khỉ trên cọc tử hình, mặt bà luôn cúi gằm xuống, nhưng dường như tai bà lại luôn vểnh lên, lắng nghe từng bước chân tay Chí tiến tới. Tay Chí cùng đoàn người tiến dần tới bà, cách chừng mười mét, thì dừng lại. Tai bà Ba nhận ra và mặt bà từ từ ngẩng lên. Mắt bà dán vào mặt tay Chí. Trên hai mắt bà bắt đầu ứa ra những dòng nước mắt. Hy vọng sống trào lên. Nhưng, thật không ngờ, tai bà đã nghe chính từ miệng tay Chí phát ra lệnh tử hình bà. Bà lại kêu lên: “Trời ơi! Trời đất quỷ thần ơi!”. Kêu xong, bà ngất đi, và bà không còn hiểu nổi trời đất ra sao nữa!
Lệnh phát, Đội hành quyết thi hành bản án ngay.
Sau hai lần vào thế bắn, người xem không thấy bà Ba bị trúng đạn “khựng lên”, mà chỉ thấy bà đưa hai bàn tay khư khư giữ cái phần bụng dưới. Hai bàn tay mềm mại, trắng muốt cố vươn dài ra, xòe rộng ra, nhưng cũng không che đủ. Người xem vẫn nhìn rõ nước da bụng trắng mịn của bà Ba qua khe hở của những ngón tay xòe. Người ta cũng không thấy máu từ ngực và bụng bà Ba phọt ra. Người ta lại thấp thỏm đợi tay Chí hô “bắn” để xem.
Nhưng cả ba lần tay Chí hô “bắn” thì cả ba lần súng chỉ xì xì phun khói ra, rồi im bặt. Thấy thế, tay Chí như điên lên, giật phắt một khẩu súng trường từ tay một người hành quyết đứng cạnh, kéo quy lát, nạp viên đạn cuối cùng vào nòng súng và nhảy vào tư thế bắn. Người ta thấy hắn kẹp khẩu súng trường vào một nách, đầu cúi gục xuống nhòm vào khe ngắm, miệng hô lớn: “bắn” và tay hắn xiết cò. Một tiếng nổ vang. Dân làng Vũ Đại sau giờ phút hồi hộp, reo ầm lên. Trong tiếng súng nổ vẫn không thấy bà Ba “khựng lên”, máu từ ngực hoặc bụng bà phọt ra. Viên đạn nổ của hắn đã đi không đúng đích. Viên đạn nổ cách chân hắn đứng bắn độ vài mét, chỉ để lại một đường cày mỏng trên mặt đất. Tay Chí bị lực phản của tiếng nổ đẩy mạnh, ngã ngồi về phía sau.
Khi tay Chí lồm cồm đứng dậy, thì Đội trưởng Đội hành quyết đi tới báo cáo:
– Báo cáo anh Chí, hết đạn.
Tay Chí mắt còn trợn lên ngầu đỏ như mắt chú trâu đực vừa húc nhau rọi thẳng vào mắt người Đội trưởng. Báng súng vẫn còn kẹp trên nách, nòng súng chĩa thẳng vào người Đội trưởng Đội hành quyết. Đội trưởng Đội hành quyết bất ngờ run bắn người lên, lùi chân lại. Tay Chí không bóp cò, mà chỉ văng ra một câu vừa bậy, vừa bực tức:
– Đạn, đạn cái con củ ***. Về hết. Cút về hết.
Lúc này trời đã xẩm tối. Gió cuối thu lạnh, trời lại lất phất mưa bay. Dân Vũ Đại theo tay Chí trở về làng. Biết bao người hy vọng ngày mai, lên cấp trên lĩnh đạn mới, lại được xem buổi hành quyết nữa.
Bà Ba bị bỏ lại một mình trên cọc tử hình với hai tay bị trói chặt. Sự im lặng, gió bấc và nước mưa lạnh đã giúp bà mau ***ng nhận ra hoàn cảnh của mình. Nghĩ tới tiếng súng nổ, người bà lại run bắn lên. Xoa xoa tay trên bụng, bà chợt nhận ra mình vẫn đang còn sống, cái thai trong bụng vẫn còn sống. Bà mừng, cái chết một lần nữa lại chưa đến với mẹ con bà. Trên cọc tử hình, bà run run nghĩ tới cái chết không tránh khỏi của mình vào ngày mai, lúc mặt trời lên.
Mặt trời lên. Tay Chí, Đội hành quyết và dân Vũ Đại lại kéo nhau ra bãi pháp trường. Nhưng bà Ba đã không còn trên cọc tử hình nữa. Trong đêm mưa gió đã có ai cởi trói cho bà. Từ đó, bà Ba đi biệt tích, chưa có một lần quay lại thăm làng Vũ Đại. Có người nói bà Ba đã nhảy xuống sông Vũ Đại tự tử, cùng với cái thai trong bụng. Có người lại nói: bà đã đi ngược dòng Vũ Đại về phía thượng nguồn. Bà đi miết, mười ngày, nửa tháng đến một bản làng hẻo lánh nào đó mới dừng chân. Thấy bà đói rách, tiều tụy, một nhà cách mạng đã cưu mang bà, sau đó kết tóc xe tơ với bà. Thấy bà đẹp, lại đôn hậu, người chồng lại càng thương yêu bà. Đứa con riêng của bà mang cái họ Ma, họ Mã nào đó. Nó được ưu tiên ăn học. Và bây giờ hắn là chủ tịch một khu trên vùng cao của làng Vũ Đại. Hôm về chịu tang tay Chí, hắn chở hẳn về một con bò và mấy cái bong bóng trâu rượu. Những người đi cùng hắn, cứ gọi “Cái đồng chí chủ tịch ơi”. Ít thấy hắn ta nói gì. Dân Vũ Đại chỉ nghe được mỗi câu rành rọt:
– Vũ Đại! Vũ Đại! Tao sẽ cho cả làng Vũ Đại mày say…
Người kể chuyện sử làng Vũ Đại đột ngột dừng lại, tủm tỉm cười, rồi đưa đôi mắt có đuôi dài liếc một cái thật nhanh qua mặt tôi. Cũng lại tủm tỉm, ông hỏi:
– Ông là nhà báo hả? Tôi đợi cánh các ông mỏi mòn cả cuộc đời. Bây giờ kể lại cho ông chuyện cũ, tuy còn kịp, nhưng mà muộn, rất muộn rồi. Khi cách mạng thành công, tôi với tay Chí cùng sinh một thời. Cách mạng cho tay Chí một cuộc đời oanh liệt, và cho tôi trở thành người ôm giữ lịch sử của làng. Khi miệng tôi bị khóa, cái mớ lịch sử đó cựa quậy ở trong lòng tôi mãi. Có lúc đau như xát muối, kim châm. Tay Chí đi rồi, và tôi cũng sắp đến lượt. Chỉ mong kể lại cho người tin tưởng, để rồi tôi nhắm mắt cho yên. Chuyện vĩ đại như vậy không thể thất truyền được.
Ông lại đột ngột hỏi tôi:
– Ta kể chuyện đến đâu rồi nhỉ?
– Thằng con trai bà Ba, làm chủ tịch ở vùng cao, về chịu tang cụ Chí.
– Ừ. Thế là hết chuyện bà Ba. Bây giờ ta sang chuyện tình với Thị Nở.
Trong thời gian tay Chí trả hận với bà Ba, thì Thị Nở trở dạ đẻ. Sờ lên cái bụng đang thây lẩy của cháu, bà cô Thị Nở càng thêm lo lắng. Gương tày liếp. Gương tày liếp.
Phần I -b
Làng Vũ Đại trước đây cũng có người chửa hoang. Người đó đã bị làng gọt tóc, bôi vôi lên đầu; bị trói bằng một sợi thừng, anh mõ dong đi bêu riếu khắp ngõ thôn, chợ chiền, trong tiếng mõ “cốc, cốc…”, chốc chốc lại vang lên. Bọn trẻ con làng, vì tò mò nhiều hơn là hận thù, thỉnh thoảng lại cầm đất đá ném vào cô ta, và tụm năm, tụm ba ríu ran bàn tán xì xào. Không chịu nổi nhục, cô ta đã tự tử. Từ đó, bà cô Thị Nở không thấy ai dám chửa hoang nữa. Có thể có đấy? Nhưng bọn Bá Kiến, Lý Cường cai trị độc ác quá, nên không ai dám ló bụng ra. Trong làng Vũ Đại thỉnh thoảng lại xôn xao: Chị này bỗng dưng bỏ làng ra đi, chị kia vừa uống thuốc độc tự tử. Dân làng vẫn cứ nghi vấn có người chửa hoang. Lão Bá Kiến nghe dư luận cứ cười hề hề. Trong khổ đau của người khác, hắn cứ vác bụng đến chia buồn và cố ăn một bữa cho thật no say với gia đình có người đã liều mình, hoặc bỏ làng ra đi. Sợ quá!
Bởi vậy, suốt thời gian Thị Nở có mang, bà cô của Thị Nở âm mưu giữ kín chuyện này. Suốt ngày Thị Nở bị bà nhốt cứng ở trong nhà. Thị chỉ được ra ngoài làm việc, đi lại vào lúc mặt trời đã lặn.
Đối với Thị Nở, thực hiện yêu cầu này không mấy khó khăn. Từ tờ mờ sáng, thị đi gánh nước từ dưới sông về. Ngay lập tức, thị được bà cô phân công vào bếp nấu ăn. Ăn xong, thị vào buồng đánh một giấc đến chập tối. Thời gian đầu, sợ Thị Nở chưa quen, bà cô phải khóa trái cửa lại. Kẻo không, bất ngờ, thị đi ra. Bà chỉ khóa cửa độ vài hôm, Thị Nở quen ngay với cuộc sống mới. Thường, chập tối, thị mới uể oải thức dậy. Đi nấu cơm tối, chín giờ, ăn cơm, và sau đó thỉnh thoảng có hôm giúp bà bán hàng. Thực, chẳng có gì khó chịu đối với thị. Hình như chưa bao giờ thị có ý nghĩ rằng mình đang bị giam cầm.
Thị chỉ có ý nghĩ: “Mình được chăm sóc tốt hơn, bởi, có một cái gì đó ngày một nặng hơn, ngày một quấy phá dữ hơn ở trong bụng”.
Thị chưa hề có ý nghĩ về khối tình của thị từ bụi chuối mà ra. Thị mang cái bụng ngày một nặng lên, ngày một lớn lên, mà không hiểu vì sao lại thế? Không hy vọng, không thiêng liêng, không cầu ước cho một tương lai nào. Suốt thời gian có nghén, thị luôn thèm ăn một bữa ổi xanh, hoặc chuối xanh cho thật đã. Thực, nhiều lúc thị cũng thấy nôn nao, khó chịu. Đôi chân thị nhiều khi sưng húp lên, nặng nề. Đôi khi thị cũng lo sợ, một nỗi sợ không rõ ràng. “Hay là mình có bệnh tật gì?”. Một lần thị đã thổ lộ với bà cô nỗi lo lắng này. Bà cô chỉ ậm ờ nói cho thị biết, “thị có bệnh, cái bệnh báng. Muốn cho bệnh ***ng khỏi thì phải bớt đi lại, phải nghỉ ngơi, phải tĩnh dưỡng”. Nhưng thị thấy, càng tĩnh dưỡng, cái gì trong bụng thị lại càng quấy dữ hơn. Tệ nhất, nó không những không xẹp xuống mà còn cứ to dần ra. Có một lần lo chết, thị đã khóc và đặt câu hỏi với bà: “Tại sao lại như vậy?”. Bà cô giải thích cho thị bớt lo:
– Nó là cái u, cái nhọt, có lúc phát, có lúc đau rồi mới có lúc vỡ.
Đôi khi tình bà cháu ruột già nổi lên, bà cũng âu yếm với thị:
– Cái mụn bọc trong bụng con cũng phải chín tháng mười ngày mới vỡ. Lúc vỡ cũng đau đớn lắm! Con cứ phải chịu khó.
Lời bàn: Chẳng lẽ Thị Nở không biết đến mức ấy chăng? Thị Nở chưa từng thấy ai chửa đẻ bao giờ chăng? Có lẽ thị thấy tất cả đấy. Nhưng cái trí nhớ của thị kém lắm, nên thị cứ quên luôn. Việc của một ngày thị cũng không đủ trí để nhớ hết. Huống hồ, thị bị giam cầm tới chín tháng trời.
Sợ tai tiếng với làng Vũ Đại, bà cô của Thị Nở cũng tính kỹ chuyện này. “Nhà bà neo người, cái con Nở lại dở hơi, có một người tử tế cho nối dõi tông đường nhà bà, thì còn gì bằng. Nhưng trời ơi! Gương tày, gương liếp! Nếu chẳng may làng Vũ Đại biết được, bà làm sao tồn tại với quán nước của bà ở đây? Biết đi đâu, thân già với cháu dở hơi, với chắt chiêm chiếp? Mà lại biết đâu đứa cháu sau này là người thế nào? Dở hơi hơn cả cái con Nở thì sao?”. Suốt chín tháng trời Thị Nở có mang, bà luôn nghiền đi, ngẫm lại cái cuộc sống của bà, cái lẽ sống của dân làng. Để bảo toàn mạng sống, bà không có con đường nào khác là phải bỏ đứa cháu đi. Điều bà yên tâm nhất, cho đến tận lúc này, con Nở vẫn chưa biết mình đang chửa trong bụng một con người. Sờ tay lên bụng cháu, bà bấm đốt ngón tay tính lại: “Kể từ hôm mình đi vắng đến nay đã chín tháng rồi. Nó kêu đau mạnh, chắc nó trở dạ đẻ”.
Sau khi sờ tay lên bụng Thị Nở, lắng nghe đứa bé cử động, bà cô thị Nở đưa tay sờ vào ngực thị. Hai bầu vú tròn căng, mọng sữa. “Thôi, đúng rồi!” – Bà cô thị Nở thốt lên. Để chắc chắn hơn, bà thọc tay xuống đũng quần thị. Bà run run sờ tay đến chỗ… Quả là nó đã bông bông. Cẩn thận hơn, bà tụt hai ngón tay xuống phía dưới nữa. Lặng đi một chút, bà hoảng hốt kêu lên: “Trời ơi! Nó đẻ thật rồi!”.
Trong tâm trạng hoảng hốt, bà bảo Thị Nở:
– Này Nở, giờ ung nhọt trong bụng con đã đến ngày vỡ. Cái ngòi độc ấy to lắm đấy. Mủ trong bụng ứa ra cũng nhiều. Nó không thể vỡ trong nhà ta được. Con ra ngoài đồng mà vỡ. Con đi ngay đi. Đi ngay đi.
Nghe ung nhọt đến ngày vỡ, Thị Nở mừng lắm! Cơn đau của thị có phần dịu lại ngay. Thị vặn vẹo cái bụng một chút, rồi nặng nề đặt chân xuống đất, lặc đặc bước ra. Thị mới bước độ vài bước ra ngoài sân, người bà cô của thị gọi giật lại, dặn thị thêm:
– Nở, con đi ra lò gạch, cái lò gạch ở ngoài đồng ấy.
Thị Nở, chỉnh lại cái bụng, nhằm hướng lò gạch đi tới.
Đêm tháng tám trời rực sáng. Thị Nở bước đi trong gió lộng ngút ngàn, trong chan hòa ánh trăng và lung linh những vì sao.
Lò gạch đây rồi!
Một cái lò gạch, thời gian, gió mưa đã làm mất toàn bộ phần xây cao trên mặt đất. Nó chỉ còn phần móng và bọng lò nằm ngang và sâu xuống mặt đất. Nhớ lời bà dặn: “Đến lò gạch, nằm xuống, nhắm mắt lại, nằm im cho nó vỡ”, không có gì phải suy nghĩ, thị hăm hở bước vào. Ngay từ bước chân thứ nhất, dưới chan hòa ánh trăng và lung linh các vì sao, thị nhận ra những người chết xếp chồng lên nhau. Đa phần họ nằm sấp mặt xuống. Chỉ có một vài người nằm ngửa, hai chân và hai tay đều đang giơ lên trời, trông như những bóng ma chờn vờn, chới với, làm thị mới kịp bước một chân vào, đã hết hồn. Lý trí mách thị phải lập tức rút nhanh một chân đã bước vào ra, và bỏ chạy. Nhưng không kịp, tim của thị đã xúc động đột ngột làm thị ngất ngay lập tức. Lẽ ra thị cũng phải ngã sấp mặt xuống. Nhưng nhờ cái nội lực của lý trí muốn quay ra đã làm thị ngã vừa ngửa, vừa nghiêng trong lò gạch. Thị buộc phải nằm trong tư thế: một chân duỗi thẳng trong lò gạch, một chân gác lên phần tường lò đổ nát. Ở tư thế đó, trong cái lò gạch đổ nát, thị đã thực hiện nhiệm vụ vĩ đại sinh tồn của loài người.
Thị ngất đi khá lâu. Khi tỉnh lại, thị thấy có cái gì đó đang lục **c trong cái đũng quần thị. Thị chợt nghĩ: “Những con ma người chăng? Ối cha mẹ ơi!” – thị kêu lên và lại ngất đi. Hai ba lần tỉnh dậy, ngất đi như vậy, rồi thị cũng tỉnh hẳn. Động tác đầu tiên là thị sờ lên cái bụng của thị. Thị nhận ra cái “ngòi độc” đã thoát ra ngoài. Sờ đi, sờ lại trên cái bụng giờ đã nhăn nheo, bùng nhùng, miệng thị nở một nụ cười. Thị vặn vẹo cái đầu định ngồi dậy. Nhưng cái gì lục **c dưới đũng quần thị lại cựa quậy mạnh hơn. “Cái gì nhỉ?”. Thực tình thị không hiểu. Thị lần tay xuống cạp quần, mở rút và mạnh dạn thò tay xuống sâu hơn nữa. “Tóc, ới tóc!”. Thị thầm kêu và thị lại mỉm cười. “Bà nhầm rồi, bà ơi!”. Bất ngờ một cảm giác dễ chịu bò dọc từ xương sống thị kéo lên đầu. Thị thận trọng nắm cổ đứa bé, từ từ kéo qua đũng quần, ngược lên. Dưới ánh trăng và vằng vặc sao trời tháng tám, mắt thị mở rộng ra hết cỡ, thị nhìn thật rõ một con người. Đúng, một con người, con của thị.
Thị lần lần bế nó trên tay. Nó trơn nhẫy. Tự nhiên, thị dùng dằng và tay kéo toạc một mảnh vải của người chết trong lò gạch bọc cho đứa bé. Khi bọc đứa bé, mặt thị và đứa bé gặp nhau. Một thoáng nhìn nhau, mắt Thị Nở ánh lên tình e ấp, ve vuốt; mắt đứa bé nhìn lại thị ráo hoảnh, trừng trừng.
– Con! – Thị thốt lên và thuận tay ép mắt, mặt đứa bé vào bầu vú đang căng lên của thị.
Không có tiếng khóc.
Dưới vòm trời đêm sao sáng, thị bế cái “nhọt” về nhà, trong tâm trạng vừa thỏa mãn, vừa bâng khuâng, và trên đôi chân bước lần lần run rẩy. Lúc này, đêm đã về sáng. Vầng dương của một ngày mới đang làm rạn nứt đêm chân trời phía Đông.
Bà Ba Bá Kiến là người cuối cùng ở làng Vũ Đại chịu án tử hình. Sau khi bắn hụt bà Ba, làng Vũ Đại trở về không khí yên bình hơn, ít nhất là đối với bà cháu Thị Nở. Hơn thế, từ hồi cách mạng xảy ra, chén nước, điếu thuốc quán bà cô là Thị Nở bán chạy hàng hơn, được giá hơn. Nhờ thế, cuộc sống của ba bà cháu có phần dễ chịu.
Nhưng, dễ chịu nhất đối với bà cô Thị Nở từ khi Thị Nở sinh đến nay, làng Vũ Đại chưa có ai đến hạch sách, phiền nhiễu gì. Bà cô Thị Nở cứ hay thỏa mãn một mình: “Quá cữ thằng bé lâu rồi, ít đâu! Cũng là nhờ ơn cách mạng đổi đời chứ còn gì?”.
Chửa quàng, chửa xiên, đẻ vơ, đẻ vẩn, thế mà bà vẫn được một đứa cháu trai kháu khỉnh. Tóc nó đen nhánh, mắt nó long lanh, lại chịu ăn, chịu chơi suốt cả ngày. Hy vọng có một đứa cháu trai cho hương khói, cho nối dõi tông đường của bà đã thành hiện thực. Nghĩ lại âm mưu của bà trước kia, bà ân hận, ngượng ngùng. Nhiều lúc bế cháu trên tay, nước mắt, nước mũi bà cứ ứa ra, ứa ra. Cầu trời, khấn phật tha tội cho bà.
Đối với Thị Nở:
Nuôi thằng bé trong nhà, ngày mỗi ngày Thị Nở càng rõ hơn cái “ngòi độc” ấy đích thực là con của thị. Thị đã mang nặng, đã đứt ruột đẻ ra nó. Ngay từ dòng sữa đầu tiên chảy vào miệng thằng bé, thực sự đã đem cho thị nguồn cảm xúc mới. Dấu hiệu là thị đã biết đùa, biết dùng cái đầu vú căng sữa của mình trêu trêu cái miệng đỏ hồng, lúc nào cũng đòi ăn của hắn. Điều kỳ lạ nhất, sau khi đẻ và nuôi thằng bé, tâm trí của thị đã đổi thay rõ rệt. Nhiều chuyện của quá khứ thỉnh thoảng thị lại kể vanh vách cho đứa con của thị nghe. Duy có điều: Ai là bố thằng bé thì thị còn ấp úng. Có lần thị kể lõm bõm với bà cô của thị: Lâu lắm rồi, có lần đi lấy nước dưới sông về, thị đã ngủ quên dưới gốc cây chuối. Khi tỉnh dậy, thị thấy một người đàn ông tóc dầy, cứng như rễ tre, mắt sâu, trên má có một vết sẹo còn đỏ hoẻn đang ngồi nhìn thị mà cười. Sao giống anh Chí thế!
Lần đầu nghe Thị Nở nói vậy, bà cô của thị bủn rủn cả chân tay. Bà không kịp thắp hương, quỳ ngay xuống trước bàn thờ, miệng lầm rầm, khấn:
– Lạy trời, lạy phật, nếu đúng anh Chí là bố thằng bé thì phúc bảy mươi đời nhà bà. Thằng bé rồi sẽ có chỗ dựa. Anh Chí cách mạng, anh Chí đứng đầu làng Vũ Đại chứ có phải anh Chí chuyên ăn vạ làng như trước đây đâu.
Thằng bé ngày một khôn lớn, bà lại càng thường hay lạy thế.
Lạy thế, nhưng bà chưa dám tin hẳn. Giá như tay Chí vẫn như tay Chí ngày xưa, nghĩa là một tay Chí dám tự tay mình cầm mảnh chai rạch vào mặt mình để ăn vạ làng, ăn vạ Bá Kiến, thì bà tin. Còn nay, tay Chí là tay Chí cách mạng, tay Chí đứng đầu làng Vũ Đại. Quyền sinh, quyền sát trong tay hắn cả. Bởi thế, bà chỉ bán tín, bán nghi. Lại làng Vũ Đại, chỉ có bà cháu Thị Nở quan tâm đến chuyện này, thì là một lẽ, đằng này, dân Vũ Đại ra quán bà uống nước, hút thuốc lào cũng đông, họ đều nói với bà thế. Ngắm thằng bé bụ bẫm ai cũng bảo thế, thằng bé giống đúc tay Chí. Trong số họ, nếu có ai phản đối thì họ lại đem cái tóc, cái tai, thậm chí cái khuôn mặt của thằng bé so sánh, chứng minh. Có người còn nổi khùng lên, to tiếng: “Nếu không phải con anh Chí, tôi xin làm *** cho cả làng Vũ Đại”. Nhiều người “can đảm” thế, đã làm nao núng tâm trạng bà cháu Thị Nở. Chính họ đã giúp bà cháu Thị Nở dám liều. Bà cô Thị Nở nói: “Thôi, cũng liều vậy. Với lại nó giống anh Chí như lột. Người có tâm, nhìn thấy con mình, ai nỡ lòng nào không nhận”.
Thế rồi, một buổi sáng, Thị Nở quần thâm, áo cánh trắng, tóc búi gọn gàng, cùng với bà cô và đứa bé lục tục kéo lên trụ sở chính quyền.
Nhà Bá Kiến, người vào, người ra tấp nập. “Họ đến làm gì mà đông thế? Mà sao trông ai cũng hầm hầm như vừa phải đánh nhau ở trong đó ra?”. Nhưng điều đó cũng chẳng làm bà bận tâm. Mục đích đến nhận bố, nhận chỗ dựa cho thằng bé đang nong nóng trong lòng bà, đã át đi mọi chuyện. Khi còn đứng chờ ở ngoài cổng, hình như muốn để cho oai thì phải, bà cô Thị Nở ướm hỏi một số người:
– Thưa ông, có phải anh Chí đứng đầu làng Vũ Đại đang làm việc ở đây không ạ?
Người đàn ông trương cặp mắt ngạc nhiên nhìn bà, bực tức trả lời:
– Ngớ ngẩn. Vào trong đó mà hỏi.
Có lẽ người đàn ông này đang bực bội điều gì. “Anh Chí đứng đầu làng Vũ Đại cả vùng đều biết, sao bà hỏi lạ lùng vậy”?
Có lẽ, bà cô của Thị Nở cũng bực mình với lời nói thiếu nhã nhặn này, nên mắt bà liếc chéo qua ngực người đó và tỏ thái độ khinh bỉ bằng cách môi chụm lại, chân trái bước lên, tay phải túm ngực áo Thị Nở, kéo đi.
– Sợ đếch gì cái lão Chí – bà cô của Thị Nở xòe môi lầm bầm. Bà cũng đang tiến vào đấy chứ!
Ba bà cháu luồn lách một lúc, toát cả mồ hôi, rồi thì cũng chen vào ghế, ngồi sát ngay bàn Chủ tịch đang làm việc. Tay Chí mặt đỏ phừng phừng, ngồi thật trang nghiêm. Thỉnh thoảng, hắn lại đưa tay lên xoa xoa vào cái cằm đầy râu, một tuần chưa cạo. Bà nín thở nghe tiếng râu cứng cọ vào nhau xào xào và chăm chú nhìn vào đôi tay hắn lúc vung lên, lúc hạ xuống, miệng ào ào giảng giải một điều gì đó cho một người đang lom khom đứng cạnh bàn làm việc của hắn. Buột miệng, bà kêu lên:
– Khiếp, đến là trang nghiêm.
Nhìn tay Chí làm việc mê mải một lúc như vậy, bà cô Thị Nở chừng như muốn ngủ. May thay lúc đó, thằng bé trong tay Thị Nở duỗi thẳng chân, đạp đúng vào miệng bà. Bà choàng dậy ngay, miệng lẩm bẩm liền:
– Thị Nở, cho con bú đi. Này, mở cái tã trên mặt nó ra.
Bà nhớ có người bảo, khi đem thằng bé đến cho tay Chí nhận con, phải trưng mặt nó ra cho cả làng biết. Nếu chẳng may tay Chí không nhận thì có làng biết mà nói giúp cho. Nhắc Thị Nở cho con bú, tự nhiên bà nhớ tới lời dạy này. Bà bảo Thị Nở thế, nhưng Thị Nở lại không làm theo, ra điều có ý thẹn. Hơn nữa, Thị Nở sợ có gió lạnh. Hai ba lần bà cô kéo mảnh che mặt thằng bé ra, Thị Nở lại kéo trở lại. Bực mình, bà mắng:
– Đúng là cái con Nở, khôn nhà dại chợ, chẳng chịu nghe ai điều gì.
Lẽ ra bà cháu Thị Nở phải có đơn thỉnh cầu gửi lên bàn và xếp hàng chờ đến lượt mình. Đơn trước tiên phải “qua tay” anh thư ký, rồi sau đó mới đưa lại cho tay Chí giải quyết. Nhưng bà cháu Thị Nở cũng như tay Chí đều không biết chữ. Với lại, gần tàn đời, bà chưa biết lên quan lần nào, nên không tường cái thủ tục tối thiểu đó. Nhưng, nhờ có con nhỏ, bà cháu Thị Nở được anh thư ký gọi trước:
– Thị Nở, đến công sở có việc gì?
– Dạ, trình báo.
– Trình báo, trình báo cái gì? Làm giấy khai sinh phải không?
Thị Nở đứng phắt dậy, giẫy nẩy lên:
– Không! Không! Tôi không khai sinh. Không khai sinh. (Chắc thị sợ phải khai nơi thằng bé sinh).
Thấy Thị Nở nói vậy, chính quyền làm sao không bực mình. Nhưng biết cái con Thị Nở có tiếng là dở hơi, anh thư ký ghìm cái bực tức lại và nhẹ nhàng:
– Thị Nở, không khai sinh thì đến đây có việc gì?
– Bố. Kiếm bố – Nói rồi, một tay không để rơi thằng bé xuống đất, một tay Thị Nở chỉ về phía tay Chí. Trong lúc tay chỉ, cổ họng thị lục bục những âm thanh gì, kể cả những người ngồi gần nhất cũng không rõ thị phát ra cái lời nói gì.
Lúc đó, tay Chí đang say sưa rít điếu thuốc lào. Thấy Thị Nở chỉ vào mặt mình, thì bỏ điếu, đứng ngay dậy. Cũng như Thị Nở, một ngón tay hắn cũng chỉ lại, thẳng vào mặt Thị Nở, miệng hỏi:
– Cần gì?
– Bố. Cần bố.
– Cần bố, kiếm bố. Đến đây phá gì?
Tay Chí mới khẽ to giọng thế mà cái dở hơi của Thị Nở lại ùn ùn kéo về trên óc. Lại nghe tay Chí chụp lên đầu: “phá gì, phá gì” làm Thị Nở càng khiếp đảm, rụng rời chân tay. Chính vì thế, lập tức thị không nhớ nổi mình đến đây để làm gì nữa. Thị đứng im, ngước cặp mắt tròn, lồi nhìn trân trân vào tay Chí. Nước mắt thị ứa ra (Từ hồi có con, nước mắt thị hay ứa ra như thế). Nhờ nước mắt, trong cơn khốn quẫn trước công đường, đã giúp thị lờ mờ nhớ ra thị đến đây để làm gì. Thị lấy hết sức gào to:
– Anh Chí… Bụi chuối… Con…
Những người có mặt hôm ấy đều không hiểu mô tê gì, cười ầm cả lên. Thấy vậy, tay Chí tức khí quát tướng lên:
– Cái gì? Bụi chuối, bụi rơm cái gì? Đéo mẹ cái con Nở dở hơi. Bố, con cái mẹ gì ở chốn này. Tống cổ nó ra.
Ba bốn anh dân quân được lệnh, từ trong bếp nhà Bá Kiến vác súng chạy ra làm nhiệm vụ ngay. Thị Nở bị kéo ra phía đầu cổng. Thị ôm đứa con khư khư trước ngực, ngước cặp mắt ngơ ngác về phía Uỷ ban. Người bà cô của thị thấy thế, bỏ ghế, chạy theo. Bỗng thằng bé khóc thét lên. Đang trong lúc bị dồn ép ra khỏi cổng, bà cô Thị Nở bỗng sững người lại. Ngạc nhiên quá! Ngạc nhiên quá! Bà cô Thị Nở thốt lên:
– Khóc kìa. Nó khóc kìa, Nở ơi! – Rồi như có ma lực trong tâm can nổi lên, rất dứt khoát, bà cô Thị Nở quỳ ngay xuống, mặt hướng về phía Uỷ ban, tay chụm lại, vái:
– Lạy trời, lạy phật, thằng bé nói được rồi, nói được rồi.
Thực khó nói hết niềm vui của bà cháu Thị Nở. Từ hồi thằng bé ra đời đến nay, ăn thì thật khỏe, chơi cũng mạnh bạo, ngủ ngáy cũng ngoan, chỉ chưa thấy nó khóc bao giờ. Nay, nó đã khóc, không thể nghĩ rằng nó là đứa bé câm. Khi về tới nhà, bà cô bảo Thị Nở:
– Thôi, cũng là phúc con ạ. Nó nói được cũng là nhờ anh Chí đấy. Nếu không có anh Chí, có dễ nó là đứa bé chỉ biết ăn mà không biết nói.
Sau bận nhận bố không thành của bà cháu Thị Nở, cách mạng làng Vũ Đại không ồn ào, sục sôi như trước nữa. Mỗi một số phận ít nhiều đã có thay đổi. Lịch sử làng Vũ Đại đã thực sự sang trang mới. Những ổ dịch phong kiến, đế quốc ở làng Vũ Đại được tay Chí lãnh đạo nhân dân cách mạng sạch. Tuy thế, những đình chùa, miếu mạo, những hương án trong mỗi gia đình vẫn thi nhau bốc khói vào những ngày rằm, ngày tết, hoặc giỗ chạp như những chiếc dùi nung đỏ chọc vào trái tim đỏ của tay Chí. Đối với hắn, thế là chưa yên, chưa ổn, an ninh trật tự còn nhiều vấn đề phức tạp. Lại thêm những người có chữ ngày càng nhiều. Chính bọn chúng chứ ai đã nghi ngờ hắn có ăn nằm với bà Ba, ăn nằm với Thị Nở. Không được. Chúng cậy có chữ, rồi dân làng theo cả chúng thì khốn. Vì lo xa cho nền an ninh, tay Chí cho thành lập các ban an ninh: công an, dân quân, mặt trận, thanh niên, phụ nữ… tổng cộng lên… đông lắm. Với số người như vậy, lúc đầu, có người còn cho chưa đáp ứng được nhiệm vụ chung của cả làng. Họ đã mấy lần đề nghị tay Chí cho tăng thêm biên chế. Cuối cùng tay Chí cũng phải đồng ý:
– Muốn nhiều, rồi thì được nhiều. Bây giờ ta còn ăn cháo, ăn khoai, thế cái đã…
Trong sự lớn mạnh của cách mạng, bà cháu Thị Nở lần hồi nuôi thằng bé.
Nhà bà cô Thị Nở có một cây bưởi rất sai quả. Các năm trước, khi chưa có thằng bé, bà thường hái hết từ cuối vụ để bán theo mùa. Nay, có thằng chắt “đích tôn”, bà để lại mươi quả trên cây. Đợi Tết đến, trẩy xuống, làm mâm ngũ quả, cúng ông bà tổ tiên phù hộ độ trì cho gia đình bà. Bà muốn thằng chắt nối dõi, ngay từ bé phải quen với lễ nghĩa, gia phong. Bà tính, phải dạy nó như dạy nàng dâu mới về nhà chồng mới được. Kẻo không… Kẻo không… Khối cái gương tày liếp vô giáo dục ra rồi. Nhưng bà đã bực mình, bà đã bực mình.
Vào những ngày giáp Tết, chẳng biết lũ trộm làng Vũ Đại thế nào mà đêm thứ nhất chỉ lấy trộm của bà có ba quả bưởi; đêm thứ hai, chúng lấy tiếp ba quả nữa; đêm thứ ba, số còn lại chúng mới chịu lấy nốt. Tệ nhất, đã lấy trộm thì đem chỗ khác mà ăn, đằng này, chúng ngồi ăn ngay ở dưới gốc, vỏ bưởi, hạt bưởi, vứt loạn xạ cũng ở ngay dưới gốc. Làng Vũ Đại từ trước chưa được nghe Thị Nở chửi bao giờ. Nay, vì con cái, vì mươi quả bưởi, làng đã được nghe Thị Nở chửi:
– Sư cha tổ nhà mày. Mày ăn bưởi cúng ông bà tổ tiên, tổ tiên vật chết chúng mày đi.
Thường, cứ mỗi lần Thị Nở chửi, thằng con nối dõi nghe tiếng lại khóc lên. Yêu con lắm! Cứ mỗi lần tiếng khóc của nó cất lên, Thị Nở lại được dịp nghỉ chửi. Thị bỏ chửi, chạy vào giường, mắng yêu con:
– Con yêu của mẹ. Mẹ muốn sau này con thành người tử tế, nhưng lũ khốn kiếp không muốn mẹ con mình nên người tử tế. A ơi… A ời…
Làng Vũ Đại nói, Thị Nở chửi dai lắm. Cứ sáng sáng khi bình minh mới kịp làm rạn nứt vầng hồng phía Đông, làng đã phải nghe thị chửi. Tết nhất đến nơi rồi, trong làng còn có người chửi hận, chửi thề, thì thật là khó chịu cho chẳng riêng một mình ai. Đối với tay Chí, qua mấy bận làm ngơ, giờ cũng lấy làm tức lắm. Đội tự vệ, du kích cũng lấy thế làm tức lắm! Tết đến nơi rồi, không thể để cho mẹ con đứa dở hơi chửi cả làng, là trách nhiệm của công tác an ninh. Dân quân du kích được tay Chí giao “trấn an” vụ này. Thế là, hết anh dân quân này, đến anh dân quân khác, vác súng đến nhà bà cô Thị Nở dọa:
– Có muốn như con mụ Ba không, thì cứ to mồm?
Chỉ mới nghe lời ấy, Thị Nở mặt đã tái mét. Giọng thị đã run lẩy bẩy. Thị Nở kêu trời lên ngay.
Cũng chỉ tại cái mồm mà thị nên họa.
Thế là, sau Tết, dân Vũ Đại cũng thấy ba bà cháu chắt Thị Nở mất tăm. Có người nói, một ông lái đò trên sông Vũ Đại đã đưa ba bà cháu chắt nhà Thị Nở xuôi dòng Vũ Đại. Nghe đâu đến xứ Thanh, Nghệ thì dạt vào. Gia đình Thị Nở an cư ở một thị trấn ven biển. Thị Nở lại mở quán nước, kiếm ăn lần hồi. Thằng con của thị, kế nghiệp tay Chí, qua thời gian, cứ lớn dần lên. Nghe đâu, hắn tham gia kháng chiến chín năm lúc còn nhỏ tuổi. Hòa bình lập lại, hắn về thôn làm nghề nông nghiệp. Hắn được tiếng là chịu khó lăn lộn với phong trào. Nhờ đó, hắn trở thành bí thư của một thôn, rồi lần bước, hắn trở thành một cán bộ chủ chốt của làng. Nghe đâu, hắn có mấy lần được dự nguồn đưa lên làm ông lớn hơn nữa, nhưng chỉ tại cái thân hình dị dạng của Thị Nở di truyền lại, nên không đặng. Cũng nghe đâu, hắn là tay đấu đá có hạng của làng. Vụ lộn xộn nào ở trong làng cũng thấy có tên hắn. Hôm về chịu tang bố, người ta nói, cái miệng xếch như miệng cá ngão nằm nghiêng của hắn, cứ nghiến đi, nghiến lại kèn kẹt là dấu hiệu của một mưu mô lật đổ, hoặc đang suy tính bài “bóp dái” ai đó.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian